Lượt xem: 504

Mỹ Tú chuyển mình từ vùng đất khó

Là địa phương có trên 33.000 ha diện tích đất nông nghiệp nên giải pháp để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng mức thu nhập từ nền tảng nông nghiệp vẫn là mục tiêu chính trong chiến lược phát triển kinh tế được huyện Mỹ Tú hướng đến. Từ mục tiêu này, trong nhiều năm qua, huyện tiếp tục quy hoạch sản xuất phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Trong đó, triển khai thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020.

    Làm cho nông dân có lợi nhuận cao hơn là mục tiêu của Chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó chuyển đổi cơ cấu giống lúa chất lượng cao là một hướng đi an toàn và tăng lợi nhuận cho nông dân mà Mỹ Tú đã thực hiện khá thành công trong thời gian qua. Bà con trồng lúa tại Mỹ Tú hiện nay đã mạnh dạn áp dụng các mô hình sản xuất có hiệu quả như: Mô hình cánh đồng một loại giống, mô hình lúa đặc sản, lúa chất lượng cao. Trung bình mỗi năm diện tích lúa thơm, lúa đặc sản trên toàn huyện chiếm trên 30% diện tích gieo trồng, với các giống chủ lực là RVT và một phần ST, OM 4900. Tính đến nay, toàn huyện đã xây dựng được cánh đồng mẫu trong sản xuất lúa với tổng diện tích 11.050 ha đạt hiệu quả kinh tế cao, năng suất, chất lượng tăng tối thiểu 10%, tạo bước đột phá, thực hiện tốt mối liên kết giữa các “nhà”, củng cố khối liên minh công nông trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra trên cây lúa còn triển khai nhiều chương trình dự án như: Dự án sản xuất nông nghiệp bền vững VnSAT, Dự án lúa đặc sản, kế hoạch nhân giống lúa cấp xác nhận... Tất cả đã góp phần rất lớn vào việc thực hiện tái cơ cấu cây lúa của huyện nhà.

Đời sống của nhiều bà con ở khu vực trũng phèn Mỹ Tú đã thật sự đổi đời từ cây tràm Úc. Ảnh Ngọc Thơ

    Đồng chí Nguyễn Văn Hài - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú cho biết: “Theo đánh giá chung thì sản lượng lúa được bao tiêu năm sau luôn cao hơn năm trước, giá bán cũng ở mức có lợi nên nông dân yên tâm tiếp tục bám ruộng, góp phần thực hiện hiệu quả hơn Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện trong thời gian qua”.

    Những vùng đất rửa sạch phèn nông dân ổn định canh tác 2 vụ lúa mỗi năm, những nơi canh tác lúa năng suất không cao thì được huyện chủ trương chuyển sang trồng cây có múi như: cam sành, cam xoàn, quýt đường. Vốn vay theo định mức của đất nông nghiệp thấp, huyện đề nghị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nâng định mức theo yêu cầu cụ thể của mục đích chuyển đổi, chuyển dần diện tích đất lúa, đất mía sang vườn cây, nhờ đó mà vườn cây phát triển nhanh, vườn kém hiệu quả cũng được cải tạo lại. Từ vài hecta rồi đến vài chục hecta và đến nay đã trở thành một trong những vùng chuyên canh cây ăn trái lớn nhất tỉnh với diện tích hơn 1.400 hecta. Một hecta đất trồng cây có múi đạt doanh thu bình quân trên 400 triệu đồng mỗi năm; đối với vườn cam xoàn, cam sành hay quýt đang cao điểm say trái thì doanh thu từ 600 triệu đồng - 700 triệu đồng là chuyện không khó gì. Mặc dù những năm gần đây, tình hình dịch bệnh hết sức khó khăn nhưng huyện cũng đã tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp ngành tỉnh tìm nguyên nhân và xây dựng mô hình phục tráng, mô hình trồng hữu cơ để đánh giá hiệu quả, hiện diện tích trồng cam xoàn theo hướng VietGAP đã phát triển lên đến 54,66 hecta. Đặc biệt, Hợp tác xã Nông nghiệp Phương An đã sản xuất được các sản phẩm giá trị gia tăng từ trái cam như mứt cam, rượu cam hay nước ép cam. Ông Đặng Văn Hiến nhà vườn tại xã Hưng Phú phấn khởi cho biết: “Nếu sử dụng phân hóa học thì nó đốt bộ rễ rất dễ bị hư cây, từ ngày chuyển sang trồng cam theo hướng hữu cơ chúng tôi phối hợp vi sinh với hữu cơ lại với nhau thì vườn cây tươi tốt, hiệu quả cho trái cũng cao hơn”.

    Câu chuyện đốn mía chạy lũ ở vùng mía nguyên liệu huyện Mỹ Tú giờ cũng đã là chuyện "xa lắc xa lơ", như lời đùa vui của nhiều lão nông đã sống ở xứ này từ thưở đất nơi đây còn đầy phèn mặn, bởi giờ những ruộng mía ngày nào đã được thay thế dần bằng những rẫy tràm Úc với diện tích lên đến 1.979 hecta, tập trung nhiều tại các xã: Mỹ Phước, Mỹ Tú, Hưng Phú và Long Hưng. Tràm Úc là giống tràm lai có tốc độ tăng trưởng nhanh gấp đôi so với tràm rừng và có khả năng thích ứng tốt với vùng đất trũng phèn, đất nhiễm mặn. Một công trồng tràm Úc từ 2 - 3 năm có giá bán từ 18 -22 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

    Để tạo mũi đột phá về lĩnh vực thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, sản xuất mang tính bền vững, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phù hợp với tình hình hiện nay, đặc biệt là phát triển nuôi thủy sản ở các xã vùng trũng kết hợp với bảo vệ nguồn lợi cá đồng tự nhiên trong vùng nội đồng. Do đó trong những năm gần đây phong trào nuôi thủy sản của huyện phát triển rất mạnh, diện tích nuôi thủy sản toàn huyện là 3.500 hecta, trong đó diện tích nuôi tôm là 270 hecta. Đặc biệt, diện tích nuôi cá đăng quầng (giăng lưới xung quanh bờ bao trên ruộng lúa) thay thế vụ Thu Đông, chiếm gần 200 hecta mỗi năm với lợi nhuận bình quân 15 triệu đồng/hecta sau thời gian 4 tháng thả nuôi. Một số mô hình nuôi thủy sản kết hợp như tôm càng xanh - bồn bồn, nuôi cá trê vàng trong ruộng năn hay mô hình cá - sen cũng tiếp tục duy trì và phát triển. Ngoài ra, huyện cũng tập trung chỉ đạo phát triển các loại hình kinh tế hợp tác để làm trung tâm tổ chức sản xuất gắn với liên kết công ty, doanh nghiệp; hướng đến sản xuất bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh kêu gọi công ty, doanh nghiệp tăng cường đầu tư liên kết sản xuất - tiêu thụ trên địa bàn huyện.

    Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, điều hành của UBND huyện và sự đồng thuận cao của nhân dân mà đến nay, Mỹ Tú cơ bản đã thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Giờ đây, kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.

    Với 2/3 diện tích đất nằm ở triền lung với các địa danh: Lung Bàu Ráng, lung Còng Cọc, lung Béc Trang vốn hoang hóa rốn phèn trước khi bán đảo Cà Mau được ngọt hóa. Nay thì bưng biền, hoang hóa không còn nữa mà là vùng sản xuất có giá trị kinh tế hàng đầu của huyện. Một bước chuyển mình của vùng đất khó đã mang lại sự thịnh vượng cho hàng ngàn hộ dân thoát khỏi cảnh lam lũ trên vùng đất rốn phèn mà người dân nơi đây tự hào cho rằng đây là thành công của “công cuộc cách mạng nông nghiệp” ở địa phương.

    Việc thực hiện các đề án, dự án hỗ trợ sản xuất đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, kinh tế hộ gia đình ngày càng nâng cao và phát triển bền vững. Từ đó, tạo lòng tin để người dân đoàn kết cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nghị quyết, đặc biệt là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, toàn huyện có 3 xã được công nhận nông thôn mới bao gồm: Long Hưng, Mỹ Hương, Hưng Phú, các xã còn lại đạt từ 14 tiêu chí trở lên. Đánh giá về sự thành công của Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong thời gian qua, đồng chí Võ Minh Quân - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú cho biết: “Đạt được những kết quả này nhờ vào nhiều yếu tố quan trọng, đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và kịp thời của lãnh đạo UBND huyện, sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng của tỉnh và sự phối hợp của các cơ quan ban ngành, đoàn thể huyện trong công tác tuyên truyền thực hiện các mô hình chuyển đổi có hiệu quả, đặc biệt là người nông dân của Mỹ Tú đã chịu khó định hướng lại sản xuất theo hướng tăng cường liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ”.

    Một sự chuyển đổi sản xuất trong vòng 5 năm sẽ rất thuận lợi đối với vùng thuận cao, vùng thuần ngọt, sạch phèn như Kế Sách, Long Phú hay Cù Lao Dung, còn ở vùng trũng phèn như Mỹ Tú  là minh chứng thể hiện rõ sự quyết tâm của toàn thể Đảng bộ và Nhân dân địa phương. Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Đảng bộ huyện Mỹ Tú cũng đã có kế hoạch tiếp tục phát triển toàn diện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn. Trong đó tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ sinh học.

    Đồng chí Trần Văn Việt - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Tú thông tin thêm: “Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong thời gian tới huyện sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nhất là việc sản xuất phải theo nhu cầu của thị trường, từng bước chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang cây trồng vật nuôi khác có đầu ra ổn định, trên cơ sở liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Không ngừng củng cố, nâng chất hoạt động các loại hình kinh tế hợp tác, trong đó trọng tâm là hợp tác xã nhằm tổ chức lại sản xuất phù hợp. Phát huy tiềm năng thế mạnh của huyện, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hạn chế sản xuất tự phát”.

    Sự đổi đời của hàng ngàn hộ nông dân ở vùng lung trũng huyện Mỹ Tú cho thấy một sự đột phá  về  kinh tế của địa phương. Và minh chứng một cách rõ nét về vai trò của Đảng bộ, chi bộ  cũng như từng đảng viên trong việc đưa chủ trương, nghị quyết vào cuộc sống. Mà ở đây là một nghị quyết chuyên đề về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Từ một chủ trương chỉ đạo đúng đắn mà vùng đất lung trũng, rốn phèn ngày nào nay đã trở thành một vùng quê đáng sống, bởi ở đó sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã lùi bước trước tính chịu thương, chịu khó của con người và trước những biến đổi ngày một khó lường của khí hậu thì Đảng bộ và Nhân trong huyện luôn có sự nhất chí cao trong việc chuyển đổi những cây trồng, vật nuôi có khả năng thích ứng tốt. Tất cả đã góp phần tạo nên những đột phá tích cực, biến nơi bất lợi thành vùng đất giàu tiềm năng để phát triển.
Ngọc Thơ


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 36
  • Hôm nay: 212
  • Trong tuần: 70,639
  • Tất cả: 11,802,646